Thúc đẩy gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp

Ngày 30/10/2019 tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, dưới sự chủ trì của Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bà Britta Van Erckelens, Phó Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề của Đức tại Việt Nam đã diễn ra cuộc họp giữa các chuyên gia, các đối tác trong việc áp dụng tiêu chuẩn về người đào tạo tại doanh nghiệp đối với các nước ASEAN vào xây dựng chương trình đạo tạo người đào tạo tại doanh nghiệp ở Việt Nam. Cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, để việc giáo dục nghề nghiệp đi vào thực chất hiệu quả.

Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Ông Trương Anh Dũng nêu lên thực tế quan hệ giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã được triển khai, thực hiện, nhưng số doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều. Hiện tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tích cực hoàn thiện thể chế để tạo lực đẩy cho hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Theo Bà Britta thì giải quyết được khâu người đào tạo trong doanh nghiệp là cơ chế quan trọng nhất để hiện thực hóa việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trở nên thực chất. Tại nước Đức, người đào tạo tại doanh nghiệp phải có kỹ năng. Đối với Việt Nam thì người đào tạo tại doanh nghiệp phải có nhiều chức năng hơn; không chỉ là đào tạo mà còn thực hiện chức năng kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

thúc đẩy gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp
Toàn cảnh cuộc họp

Chương trình Đổi mới đào tạo nghề của Đức tại Việt Nam đã nêu định hướng xây dựng chương trình đào tạo người đào tạo tại doanh nghiệp ở Việt Nam, trong đó có xác định mục tiêu: đào tạo người lao động tại doanh nghiệp để thực hiện chức năng trực tiếp dạy học cho người lao động của doanh nghiệp đó và/hoặc cho học sinh/sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chức năng kết nối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình, người học có khả năng thực hiện đào tạo người lao động của doanh nghiệp (đào tạo nội bộ) và học sinh, sinh viên của cơ sở đào tạo nghề (đào tạo liên kết) và thực hiện chức năng kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung của chương trình được kết cấu theo học phần (module) dựa trên hồ sơ năng lực thực hiện. Các module được phân thành các bài học với đề cương chi tiết. Nội dung chương trình được đóng gói từ các module chuẩn, kế thừa và tham chiếu đến tiêu chuẩn ASEAN, tiêu chuẩn/chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp và chương trình bồi dưỡng kĩ năng dạy học, và của doanh nghiệp.

(Theo website TCGDNN)